Địa danh Bình Thuận xuất hiện sớm nhất vào năm Đinh Sửu (1697), khi ấy là một phủ của trấn Thuận Thành, sau khi Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế sai Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính dẹp được nạn loạn Vua Chiêm Bà Tranh và chiếm được phần đất cuối cùng của Champa từ Phan Rang đến xứ Chân Lạp. Thời vua Gia Long đặt lại dinh Bình Thuận. Đến Minh Mạng thứ 4 (1823) đặt lại phủ Bình Thuận có 2 huyện An Phước và Hòa Đa. Trong quảng thời gian gần 130 năm đó, Bình Thuận qua nhiều lần thay đổi cấp hành chánh dinh, trấn, phủ bao gồm một phần đất của Ninh Thuận, Lâm Đồng và phía nam Tây nguyên.
Dưới đây bài viết tác giả: Trần Ngọc Thuần
Xét về bề dày Lịch sử của 3 tỉnh: Bình Thuận - Lâm Đồng - Đắk Nông.
Thì "Bình Thuận" là Cái Tên đã được Cha Ông ta đặt từ rất lâu cho một vùng đất của tổ quốc. "Từ độ mang gươm đi mở cõi".
1. BÌNH THUẬN (Từ năm 1694)
Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần đánh chiếm đất Phan Lang (sau gọi là Phan Rang), để lại mảnh đất từ phía Tây sông Phan Rang trở vào cho Chiêm Thành.
Tháng 8 năm 1692, chúa Nguyễn Phúc Chu lấy Thống binh Nguyễn Hữu Cảnh để dẹp cuộc nổi dậy của người Chăm.
Năm 1693 bắt được vua nước nước ấy là Bà Tranh. Sau đó, Chúa cho sáp nhập và đặt tên là "Thuận Thành trấn"
Năm 1694, lập "Phủ Bình Thuận" gồm 2 huyện An Phước và Hòa Đa. Sau cải thành "Bình Thuận Dinh".
Đời vua Gia Long vẫn giữ dinh Bình Thuận đến năm Minh Mạng thứ 4 đổi lại là "Phủ Bình Thuận".
...Có một số thay đổi theo tiến trình lịch sử...
Năm 1945, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống nhất hành chính trên toàn quốc, bãi bỏ các cấp phủ và tổng. Phủ Hàm Thuận được đổi thành huyện Hàm Thuận.
Năm 1955-1975, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đặt lại tỉnh Bình Thuận và chia làm 8 Quận: Hàm Thuận, Phú Quý, Thiện Giáo, Hải Long, Hải Ninh, Hòa Đa, Tuy Phong và Phan Lý Chàm.
Năm 1976, Sau thống nhất đất nước. Bình Thuận sáp nhập với Bình Tuy và Ninh Thuận thành tỉnh Thuận Hải.
Đến tháng 3 năm 1992, tỉnh Thuận Hải được chia thành 2 tỉnh mới lấy tên là Ninh Thuận và Bình Thuận (theo Quyết định ngày 26 tháng 12 năm 1991).
2. LÂM ĐỒNG (Từ năm 1958)
Ngày 1 tháng 11 năm 1899, chính quyền Pháp lập tỉnh "Đồng Nai Thượng" (Province de Haut Donnai), tỉnh lỵ đặt tại Di Linh (Djiring), do Ernest Outrey làm công sứ đầu tiên
Năm 1903, bãi bỏ tỉnh Đồng Nai Thượng, chuyển thành "Đại lý hành chính Di Linh", do Công sứ Bình Thuận cai trị. (Cai trị đại lý Di Linh là Laugier, đại diện của viên công sứ Lucien L. Garnier của Bình Thuận.)
Năm 1913, nhập đại lý Đà Lạt với đại lý Di Linh, gọi chung là đại lý Di Linh và vẫn thuộc tỉnh Bình Thuận, đặt Élie Joseph Marie Cunhac làm đại biện.
Ngày 6 tháng 1 năm 1916: thành lập tỉnh Lâm Viên, gồm đại lý Đà Lạt mới lập lại và đại lý Di Linh, tách từ tỉnh Bình Thuận. Tỉnh lỵ đặt tại Đà Lạt, Cunhac làm công sứ đầu tiên. Tỉnh Lâm Viên còn được gọi là Langbiang hay Lâm Viên.
Ngày 31 tháng 10 năm 1920: xóa bỏ tỉnh Lâm Viên, một phần lập ra thành phố Đà Lạt, phần còn lại lập lại tỉnh Đồng Nai Thượng, tỉnh lỵ đặt tại Di Linh, công sứ lúc này là L.Garnier. Năm 1928 chuyển tỉnh lỵ tỉnh Đồng Nai Thượng về Đà Lạt, do L'Helgoach làm công sứ.
Ngày 8 tháng 1 năm 1941, lập lại tỉnh Lâm Viên, tỉnh lỵ đặt tại Đà Lạt, De Redon làm công sứ đầu tiên. Tỉnh lị tỉnh Đồng Nai Thượng chuyển về Di Linh.
Ngày 19 tháng 5 năm 1958, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên tỉnh Đồng Nai Thượng thành tỉnh "Lâm Đồng", đồng thời tách một phần đất sáp nhập với thành phố Đà Lạt, thành lập tỉnh Tuyên Đức. Tỉnh Lâm Đồng gồm 2 quận Bảo Lộc (B'Lao) và Di Linh, tỉnh lỵ đặt tại Bảo Lộc.
Tháng 2 năm 1976, 2 tỉnh Lâm Đồng và Tuyên Đức hợp nhất thành tỉnh Lâm Đồng mới, gồm thành phố Đà Lạt và 4 huyện: Bảo Lộc, Di Linh, Đơn Dương, Đức Trọng. Sau này có một số thay đổi về địa giới hành chính cấp huyện, nhưng về cơ bản địa giới tỉnh vẫn duy trì đến nay.
3. ĐẮK NÔNG (Từ năm 2003)
Năm 1893. Thời Pháp thuộc, người Pháp toàn quyền cai trị vùng cao nguyên Trung phần, trong đó có khu vực nay là tỉnh Đắk Nông. Hệ thống hành chính thực dân tập trung ở Đăk Mil và Đăk Song.
Trong thời gian từ năm 1912 đến năm 1936, tại khu vực cao nguyên M'Nông đã diễn ra cuộc khởi nghĩa lớn và quy mô kéo dài chống lại thực dân Pháp do thủ lĩnh người dân tộc M'Nông là N'trang Lơng lãnh đạo.
Năm 1946 khu vực này thuộc "Xứ Thượng Nam Đông Dương".
Đến năm 1950 thì gom vào Hoàng triều Cương thổ trước khi đơn vị này bị xóa bỏ năm 1955 dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa.
(Từ năm 1959, khu vực Nâm Nung trở thành khu căn cứ của lực lượng quân cách mạng.)
Tháng 1 năm 1959, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập tỉnh Quảng Đức trên cơ sở tách gần như toàn bộ quận Đăk Song (trừ tổng Đăk Lao ở phía bắc) và một phần quận Lăk từ tỉnh Darlac (Đắk Lắk), cùng với một phần nhỏ tỉnh Phước Long và tỉnh Lâm Đồng. Tỉnh lị đặt tại Gia Nghĩa.
Địa giới hành chính tỉnh Quảng Đức, về cơ bản giống như địa giới tỉnh Đắk Nông ngày nay (trừ huyện Cư Jút hiện nay khi đó thuộc quận Ban Mê Thuột của tỉnh Darlac), được chia làm 3 quận: Đức Lập, Kiến Đức, Khiêm Đức và khu hành chính Đức Xuyên.
Tháng 12 năm 1960, Chính quyền Cách mạng cũng đã quyết định thành lập tỉnh Quảng Đức, giữa năm 1961, tỉnh Quảng Đức do khu VI trực tiếp chỉ đạo.
Đầu năm 1962, Chính quyền Cách mạng quyết định giải thể tỉnh Quảng Đức, chuyển Đức Lập, Đức Xuyên nhập về tỉnh Đắk Lắk, Kiến Đức nhập về tỉnh Phước Long, Khiêm Đức nhập về tỉnh Lâm Đồng.
Tháng 5 tháng 1975, tỉnh Quảng Đức được tái lập lại.
Tháng 11 năm 1975, tỉnh Quảng Đức sáp nhập vào tỉnh Đắk Lắk.
Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 22/2003/QH11 chia tỉnh Đắk Lắk thành hai tỉnh "Đắk Lắk" và "Đắk Nông".
Khi tách ra, "Tỉnh Đắk Nông" có 6 đơn vị hành chính gồm 6 huyện: Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Nông, Đắk R'lấp, Đắk Song, Krông Nô. Tỉnh lỵ đặt tại thị trấn Gia Nghĩa (Thuộc huyện Đắk Nông.)
4. Năm 1909
Bản đồ hành chính Tỉnh Bình Thuận đã bao gồm một phần của hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông hiện nay. (Ảnh kèm)
BÌNH THUẬN - Cái tên rất đẹp. Đẹp như ý nguyện của người xưa: "Bình An Thuận Hòa" khi đặt cho mảnh đất này.
Giờ thì non nước, con người Bình Thuận vẫn đó nhưng cái tên đã thuộc về…Trái tim...
Hình 1. Bản đồ tỉnh Bình Thuận năm 1909 (địa bàn bao gồm cả một phần các tỉnh Lâm Đồng và Dak Nông ngày nay)